I. Tiềm năng của thị trường mua bán nợ
1. Tình hình nợ xấu tại Việt Nam
Tỷ lệ nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể, giảm từ 7,7% (năm 2017) xuống còn 6,67% cuối tháng 6/2018. Tỷ lệ này tương ứng với giá trị tuyệt đối là 486.000 tỷ đồng.
Hầu hết các tổ chức tài chính đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, dự kiến cuối năm 2020 sẽ xử lý được số nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3%. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Nợ xấu lớn làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
2. Tiềm năng của thị trường mua bán nợ Việt Nam
Thực tế cho thấy hình thức mua bán nợ đã rất phát triển tại những thị trường quan trọng của thế giới như Mỹ, Đức,… Với khối lượng nợ xấu lớn tại Việt Nam, đã đến lúc chúng ta nên phát triển thị trường mua bán nợ để giảm tải cho các Ngân hàng Nhà nước. Thị trường này được kỳ vọng sẽ có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Lê Việt Dũng đã nêu ý kiến trong bài Nợ xấu tăng cao – Cần sớm có sàn giao dịch mua bán nợ như sau:
Cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư. Sàn giao dịch có thể trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao dịch, thiết lập các chuẩn mực về niêm yết thông tin khoản nợ, quản lý và phát triển các trung gian tạo lập thị trường, tổ chức đầu tư, xây dựng cơ chế giám sát và quy định bảo vệ nhà đầu tư. Việc hình thành sàn giao dịch sẽ tăng tính minh bạch và công khai của thị trường.
II. Thị trường mua bán nợ Việt Nam thực tế vẫn còn nhỏ lẻ
Nợ có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, tuy nhiên nó cũng có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và khả năng thanh khoản. Trong khi đó, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu phát triển.
Ông Dũng cho rằng, phần lớn nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý qua dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng. Các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm… chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.
Nghị định 69/2016/NĐ-CP ban hành năm 2016 đã tạo nền tảng pháp lý cho hơn 30 tổ chức xử lý nợ tư nhân ra đời (số liệu năm 2018), góp phần tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành thị trường mua bán nợ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhu cầu xử lý nợ ở mỗi tổ chức tín dụng khác nhau, dẫn đến không thể mua nợ cùng lúc và điều này làm kéo dài khoảng thời gian xử lý nợ để tái thiết doanh nghiệp. Sự thiếu đồng nhất này là một trở ngại trong việc ra đời sàn giao dịch nợ dành riêng cho Việt Nam.
Một phần khiến thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, là do các khoản nợ có tính chất “Nhà nước” có cơ chế xử lý còn rất “cứng”, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh thêm một ý, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường.
Vì mới đang ở giai đoạn đầu, nên trường mua bán nợ tại Việt Nam vẫn còn đơn giản. Hiện tại ở Việt Nam chỉ mới bao gồm thị trường mua bán các loại trái phiếu sau khi đã phát hành và thị trường mua bán các khoản nợ khác giữa các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Các loại hàng hóa phức tạp hơn của thị trường mua bán nợ như các công cụ phái sinh tín dụng và chứng khoán hoá vẫn chưa xuất hiện; cũng chưa có văn bản Pháp luật quy định.
Tóm lại, có thể thấy thị trường mua bán nợ Việt Nam đang gặp một số vướng mắc như:
– Cơ chế xử lý nợ có tính chất Nhà nước chưa nhất quán với xử lý nợ xấu thương mại.
– Quan điểm định giá khoản nợ của Việt Nam chưa được thống nhất, dẫn đến chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ thực tế.
– Việt Nam chưa có sàn giao dịch nợ, vì vậy các tổ chức tín dụng đang “mỗi nơi một kiểu”.
– Hình thức mua bán nợ tại Việt Nam mới chỉ giới hạn ở trái phiếu và các khoản nợ cá nhân. Việt Nam chưa có quy định cho các sản phẩm phức tạp hơn như công cụ phái sinh tín dụng và chứng khoán hóa.
III. Xu hướng phát triển bền vững của thị trường mua bán nợ
Mặc dầu gặp khó khăn khi đang ở bước đầu phát triển, nhưng thị trường mua bán nợ Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung luôn có xu hướng phát triển bền vững. Bởi, nợ là khoản tiền không thể thiếu trong nền kinh tế.
1. Vai trò tích cực của nợ đối với các doanh nghiệp Việt Nam
– Tăng nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh
– Tiết kiệm chi phí sử dụng vốn và chi phí lưu thông tiền tệ
– Đẩy nhanh tốc độ chu chuyển hàng hóa
– Khuyến khích sản xuất kinh doanh
Ở Việt Nam, hình thức mua bán chịu hàng hóa diễn ra rất thường duyên do sự cạnh tranh của thị trường. Càng nhiều doanh nghiệp xuất hiện, hình thức này lại càng phổ biến. Do đó, các điều kiện mua hàng trả chậm tương đối đơn giản, dễ dàng và ít điều khoản ràng buộc. Nó chủ yếu dựa trên mối quan hệ quen biết, bạn hàng, tin tưởng lẫn nhau bởi vì người Việt thường hay cả nể giúp đỡ nhau trong nhiều mối quan hệ.
Chính hình thức này sẽ gây ra rủi ro cho các khoản nợ, khiến việc thu hồi nợ trở nên khó khăn hoặc kéo dài, đôi khi còn xảy ra tình trạng quỵt nợ.
2. Ảnh hưởng tiêu cực của nợ với thị trường
– Tạo ra chi phí không mong đợi, ăn mòn dần vốn của doanh nghiệp dẫn đến nguy cơ phá sản
– Doanh nghiệp bị đối tác nợ nhiều sẽ có khả năng gia tăng nợ với các tổ chức tín dụng, dẫn đến giảm hiệu quả tín dụng và tăng chi phí cho tổ chức tín dụng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người gửi tiền với tổ chức
– Nợ của khách hàng, doanh nghiệp kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp kém sản xuất sẽ gây ra ứ đọng vốn, phá sản. Sự phá sản của doanh nghiệp, nhất là hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một cú sốc lớn đối với cả nền kinh tế. Thất nghiệp, bất ổn về an ninh, mất nguồn thu từ thuế hay thiếu sản phẩm đều là các yếu tố làm giảm GDP, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước khác.
Bởi vậy, không thể để nợ ứ đọng lâu ngày. Chính lúc này, vai trò của hoạt động mua bán nợ mới được bộc lộ. Hoạt động mua bán nợ giống như bánh xe dự phòng cho nền kinh tế, chỉ khi nền kinh tế có vấn đề thì “bánh xe” mới phát huy tác dụng to lớn của mình.
3. Một nền kinh tế phát triển không thể thiếu thị trường mua bán nợ
Theo Dự thảo Báo cáo chính trị tháng 10-2020 trình Đại hội XIII của Đảng được đăng tải trên báo Nhân Dân, những chỉ số kinh tế của Việt Nam đang vô cùng lạc quan. Cụ thể như sau:
– Vào tháng 12 năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN.
– Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
– Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên.
Với những con số ấn tượng như hiện nay, Việt Nam đã và đang trở thành mục tiêu đầu tư của nhiều nước phát triển trên thế giới. Năm 2019 bắt đầu ghi nhận sự tăng vọt của start up, khi số lượng công ty đăng ký thành lập tại Việt Nam đứng thứ 3 toàn Đông Nam Á.
Kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp tăng trưởng yêu cầu một thị trường tiền tệ ổn định để trở thành chỗ dựa kinh tế vững chắc cho quốc gia. Tuy nhiên, như báo cáo về thị trường nợ xấu ở mục I và thị trường mua bán nợ tại mục II, chúng ta cần rất nhiều nguồn lực tham gia bình ổn thị trường tiền tệ. Các doanh nghiệp tín dụng tư nhân có trách nhiệm san sẻ gánh nặng với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ.
Là một trong những đơn vị mua bán nợ đầu tiên được cấp phép hoạt động, Công ty TNHH Quản lý và mua bán nợ TAK đã sẵn sàng tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Công ty chúng tôi sở hữu đội ngũ luật sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh nợ tư nhân.
Công ty TNHH Quản lý và mua bán nợ TAK đã tạo dựng được niềm tin và sự hài lòng của rất nhiều khách hàng là các Công ty, Tập đoàn lớn, cá nhân trong nước và có yếu tố nước ngoài nhờ dịch vụ mua bán nợ hiệu quả, chuyên nghiệp và những nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên vì lợi ích cao nhất của Khách hàng.
Liên hệ với TAK theo số điện thoại 0916 665 682 hoặc takgroupvn@gmail.com
Bản quyền bài viết thuộc về Công ty TNHH Quản lý và mua bán nợ TAK
——-
Nguồn thông tin:
- Thị trường mua bán nợ vướng mắc ở đâu (CafeF, 15-11-2019)
- Phát triển bền vững thị trường mua bán nợ doanh nghiệp tại Việt Nam: Góc nhìn từ Công ty TNHH mua bán nợ (TS. ĐỖ HỒNG NHUNG – THS. TRẦN THỊ DIỆU HƯỜNG) (Báo Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ, 17-01-2021)
- Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam (TS NGUYỄN MINH PHONG – ThS NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ) (Báo Nhân Dân, 10-01-2021)
- Nợ xấu tăng cao: Cần sớm có sàn giao dịch mua bán nợ (CafeF, 26-11-2018)
Bình luận